Có nhiều IDE online. Nếu muốn bạn có thể chạy thử những chương trình đơn giản.
Bạn vào đây: Online C Compiler
Bạn sẽ thấy người ta đã có sẵn code của chương trình Hello World thần thánh.
Chúng ta sẽ thử thay đổi vài thứ của chương trình này để hiểu thêm nhiều vấn đề.
Trước hết, bạn thay Hello World! bằng Xin chao! rồi bấm Run để chạy thử chương trình.
Bạn sẽ thấy chương trình in ra dòng chữ Xin chao! như hình dưới.
Tiếp theo bạn hãy thay Xin chao (không dấu) bằng Xin Chào (có dấu), bấm RUN để chạy thử, bạn sẽ thấy chương trình in ra câu Xin Chào ngon lành!
Bạn tiếp tục thử thêm một lệnh printf nữa bên dưới lệnh printf đã có, chương trình sẽ tương tự thế này:
#include <stdio.h>
int main()
{
printf("Xin Chào !");
printf("Rất vui gặp bạn!");
return 0;
}
Chúng ta thử bấm Run để chạy chương trình.
Chương trình chạy ổn, nhưng có gì đó hơi sai sai...Chúng ta muốn dòng chữ Rất vui gặp bạn! phải được in ở hàng dưới chứ không phải in hết trên một hàng như vậy.
Bạn hãy thêm một ký tự, gọi là ký tự xuống dòng (\n) vào cuối câu Xin Chào!
Chương trình của chúng ta sẽ như sau:
#include <stdio.h>
int main()
{
printf("Xin Chào ! \n");
printf("Rất vui gặp bạn!");
return 0;
}
Bây giờ khi bấm run để chạy chương trình, mọi thứ đã ổn hơn.
Chúng ta tiếp tục "quậy" chương trình "đơn giản" này bằng cách xóa dấu; sau câu lệnh printf thứ nhất. Sau đó bấm Run để chạy chương trình. Ta sẽ nhận được báo lỗi không dịch được ở phía dưới. Thông báo nói rằng
Trong hàm main() có một lỗi, trước lệnh printf thứ hai cần có một dấu ;
Trả lại tên em, gắn lại dấu ; như cũ thì khi bấm Run, mọi chuyện lại tốt đẹp.
Tiếp tục bỏ dấu # trước include <stdio.h>, khi bấm Run để chạy chương trình, ta sẽ nhận báo lỗi: Chương trình không dịch được vì thiếu một ký hiệu nào đó phía trước ký hiệu <. Đây là một kiểu báo lỗi mơ hồ, khác với báo lỗi trước. Từ từ bạn sẽ có kinh nghiệm để đoán ra lỗi.
Tiếp tục "quậy", bạn thử cho ký tự \n ra ngoài dấu nháy, chương trình sẽ thế này
#include <stdio.h>
int main()
{
printf("Xin Chào ! "\n);
printf("Rất vui gặp bạn!");
return 0;
}
Bấm Run để chạy thử, ta sẽ nhận báo lỗi không dịch được:
Đây cũng là một báo lỗi khó hiểu, bạn cần tích lũy kinh nghiệm để nhanh chóng phát hiện ra lỗi.
Tiếp tục "khám phá", chúng ta bỏ bớt một dấu nháy phía sau câu Xin Chào! Chương trình sẽ như sau
#include <stdio.h>
int main()
{
printf("Xin Chào ! \n);
printf("Rất vui gặp bạn!");
return 0;
}
Lần này nếu bạn bấm Run để chạy chương trình, chúng ta sẽ nhận một "sớ Táo quân" về lỗi không dịch được.
Chúng ta thử "quậy" thêm một chút. Chúng ta thêm một dòng int so = 2024; phía trên lệnh printf đầu tiên. Đồng thời thêm một lệnh printf nữa:printf("Năm nay là %d \n", so);
Chương trình của chúng ta trông sẽ thế này
#include <stdio.h>
int main()
{
int so = 2024;
printf("Xin Chào ! \n);
printf("Rất vui gặp bạn!");
printf("Năm nay là %d \n", so);
return 0;
}
Bấm Run để chạy chương trình, ta sẽ thấy chương trình in ra dòng chữ:
Xin Chào !
Rất vui gặp bạn!Năm nay là 2024
Tạm hiểu là so là một BIẾN và nhận GIÁ TRỊ là 2024. Sau đó lệnh printf sẽ in giá trị đó ra. Chúng ta sẽ phân tích trong phần sau. Nếu bạn quên về Biến, bạn nên coi lại bài này. Đại khái biến so sẽ như một kệ kho dùng để chứa con số nào đó, khi nào chương trình cần sẽ lấy để sử dụng, giống như khu kệ kho để công tắc điện trong quá trình xây nhà, khi nào cần tổ điện sẽ tới lấy để lắp đặt.
Tóm lại, chỉ một chương trình vô cùng đơn giản, nhưng chúng ta vẫn cần tuân thủ đúng mọi cú pháp. Không được thiếu bất cứ một chữ cái, một dấu, một ký hiệu...nào. Nếu không chương trình sẽ không thể dịch, không thể chạy.
Chúng tôi mong rằng bạn sẽ ngồi lặp đi lặp lại việc viết code chương trình đơn giản Hello World này ít nhất 20 lần. Bạn sẽ thấy việc này có lợi rất lớn về sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét