Bạn đang muốn dấn thân vào lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI), Vi mạch, Lập trình....Nói chung là những thứ đang rất HOT, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Bạn là người mới bắt đầu và yêu thích ngành lập trình. Tuy nhiên luôn có thắc mắc xung quanh vấn đề như: Lập trình là gì? Có bao nhiêu loại lập trình ? Những ngôn ngữ lập trình phổ biến?Nếu bạn tìm kiếm trên Google với cụm từ "Lập trình là gì", khả năng cao bạn sẽ nhận được một số câu trả lời tương tự thế này:
Lập trình là việc sử dụng các ngôn ngữ lập trình, các đoạn mã lệnh và các tiện ích có sẵn để xây dựng các chương trình phần mềm, ......
Và có lẽ bạn sẽ lại phải tiếp tục tìm, sẽ lại nhận những câu trả lời tương tự...và vẫn băn khoăn, vừa hiểu, vừa có cảm giác không hiểu gì cả!
Thực tế, cái máy tính trên bàn của bạn, iPhone, iPad hay laptop bạn đang dùng, hệ thống điều khiển trong "con xe" Toyota bạn đang chạy...tất cả "bọn chúng nó" đều không hiểu bất kỳ ngôn ngữ nào, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp hay những ngôn ngữ lập trình bạn loáng thoáng nghe qua như C,C+, Python, Java...Tất tần tật mọi thứ ngôn ngữ có trên đời, "bọn chúng" đều không hiểu!
Dù là cái iPhone "xịn" bạn đang dùng hay cái máy tính hoành tráng bạn đang chơi Games, thì đều "mù chữ" như nhau. Chính xác thì chúng chỉ biết duy nhất hai (2) trạng thái CÓ điện và KHÔNG có điện. Dù chúng ta muốn cái máy tính, iPhone, iPad, Laptop....hiểu là chúng ta chào Hello, hay Xin chào, hay Bonjour...thì ta cũng phải biến mấy chữ đó thành một dãy những trạng thái Có và Không.
Ví dụ (chỉ là ví dụ, hoàn toàn không đúng thực tế) ta biến câu chào đó thành dãy trạng thái Có-Có-Có-Không. Vậy là cứ mỗi khi máy tính nhận được một dãy trạng thái Có-Có-Có-Không, thì nó sẽ hiểu là người sử dụng đang muốn nói "Hello". Có-Không được hiểu là ngôn ngữ của máy tính.
Vấn đề là không thể ngồi và bấm cho ra hàng ngàn, hàng vạn trạng thái Có-Không để "lệnh" cho máy tính làm một tác vụ gì đó hay tạo ra một chương trình, trò chơi gì đó.
Chúng ta cần có một thứ "ngôn ngữ" gần gũi với ngôn ngữ đời thật hơn, và gọi đó là ngôn ngữ lập trình. Sau khi dùng ngôn ngữ lập trình để tạo ra một chương trình, chúng ta sẽ cần một thông dịch viên, thông dịch viên này sẽ dịch từ ngôn ngữ lập trình ra một dãy những Có-Không (sau này ta sẽ thấy rằng người ta thay Có-Không bằng 1 và 0 và gọi là ngôn ngữ máy) và chuyển cho máy tính để nó hiểu và thực hiện.
Tóm lại, lập trình là việc ta sử dụng một thứ ngôn ngữ "tương đối" gần với ngôn ngữ thông thường, chính xác là gần với tiếng Anh để tạo ra một phần mềm, một ứng dụng. Sau đó ta cần dịch chương trình đó ra ngôn ngữ mà máy tính có thể hiểu.
Một ví dụ: Ta muốn tạo ra một chương trình khi bật chương trình lên, máy tính sẽ hỏi tên người dùng, sau khi người dùng nhập tên, ví dụ Nguyễn Văn A, máy tính sẽ tự động trả lời "Xin chào, Nguyễn Văn A"
Ta sẽ dùng một ngôn ngữ lập trình nào đó, viết câu lệnh
Máy tính hỏi: bạn tên gì
Nếu bạn không trả lời ---> Máy tính không làm gì
Nếu bạn trả lời, máy tính sẽ hiện lên câu nói "Xin chào," + nội dung bạn đã trả lời.
Sau đó ta đưa chương trình qua phần dịch ra ngôn ngữ máy.
Trong thực tế, không có chương trình nào cụt lủn như vậy. Giả sử sau khi chào, máy tính sẽ hỏi bạn một câu và tùy thuộc vào câu trả lời của bạn, máy tính sẽ có những phản ứng phù hợp. Chúng ta sẽ mở rộng "chương trình" của chúng ta như sau:
Máy tính hỏi: bạn tên gì
Nếu bạn không trả lời ---> Máy tính không làm gì
Nếu bạn trả lời, máy tính sẽ hiện lên câu nói "Xin chào," + nội dung bạn đã trả lời..+ "Xin bạn cho biết Việt Nam nằm ở châu nào?"
Nếu bạn trả lời châu Á, máy tính sẽ hiện lên câu "Xin chúc mừng, bạn đã trả lời đúng"
Các trường hợp bạn trả lời khác châu Á, máy tính sẽ báo cho bạn biết "Bạn đã trả lời sai"
Cuối cùng chạy chương trình. Vậy là hoàn tất mọi thứ của việc lập trình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét